Lịch sử Sách hóa nông thôn Việt Nam

Từ một cú sốc trước sự vô cảm của nhiều sinh viên Đại học Vinh khi tìm cách đưa chị Tám bị bệnh nặng ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh về quê Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An, anh Nguyễn Quang Thạch đến với ý tưởng đem sách đến cho nhiều người.[2] Sau 10 năm nghiên cứu, thiết kế các mô hình thư viên, đến năm 2007, anh bắt tay xây dựng những tủ sách đầu tiên.[3] Đó là những tủ sách cho các dòng họ gần gũi với anh - dòng họ Nguyễn Quang (họ của anh), Nguyễn Duy (bên bà nội) và Trần (họ mẹ) - bằng chính số tiền tiết kiệm hơn 10 triệu đồng.[4]

Năm 2008, tủ sách dòng họ Đỗ Xuân được thành lập ở thôn An Mỹ, xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, gồm 115 đầu sách.[5]

Năm 2009, mô hình tủ sách dòng họ được nhân rộng ở nhiều nơi như họ Vũ ở thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình với 150 đầu sách[6]; họ Vũ ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, Hải Dương với 180 đầu sách[7]; họ Bùi ở làng Trung Lương, xã Đức Hồng, huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh với 250 đầu sách[8]. Nguyễn Quang Thạch cho biết cho đến tháng 4 năm 2009 anh đã vận động được 18 dòng họ ở 7 tỉnh xây dựng tủ sách.[9]

Mô hình tủ sách dòng họ đã nhận được sự ủng hộ của các nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà nghiên cứu như Phong Lê, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Duy Thông, Phong Điệp; những người nổi tiếng như Á hậu Du lịch Việt Nam 2008 Nguyễn Thị Phương Thảo; bà con Việt kiều và nhiều dòng họ trên cả nước.

Tháng 9 năm 2009, mô hình tủ sách dòng họ giành giải thưởng 400.000 triệu đồng trong cuộc thi "Ideas to serve the community" (Ý tưởng phục vụ cộng đồng).[10]

Ngày 31 tháng 12 năm 2009, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ra công văn số 4564 về việc triển khai xây dựng thí điểm và chuẩn hoá mô hình Tủ sách dòng họ tại các xã An Dục, Đồng Tiến, An Vũ huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình.[11]

Đầu năm 2010, có 48 tủ sách đã được lập ở 14 tỉnh. Số lượng sách cũng tăng lên như họ Nguỵ ở Bắc Giang đã có một tủ sách hơn 600 đầu, họ Vũ ở xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương có hơn 1.200 đầu sách.[12]

Năm 2010, Nguyễn Quang Thạch thực hiện chuyến đi xuyên Việt đầu tiên để vận động cho phong trào Sách hóa nông thôn. Xuất phát vào ngày mùng một tết Canh Dần từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) và kết thúc ở thành phố Hồ Chí Minh, anh đã đi qua nhiều làng quê, thị trấn, thành phố dọc theo chiều dài đất nước.[13][14] Nơi dừng chân nào anh cũng tìm hiểu sự đọc của người dân địa phương, nói chuyện về sách hay vận động thành lập tủ sách. Chuyến đi nhận được sự ủng hộ của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch[12] và xuất hiện trên báo Tết xuân Canh Dần của báo Tiền Phong, trên chương trình thời sự lúc 19 giờ của kênh VTV1 ngày mồng một Tết[13] và nhiều báo khác.

Tháng 5 năm 2010, tủ sách phụ huynh đầu tiên được triển khai ở THCS An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với chi phí do Thạch đóng góp 500.000 đ và 37 phụ huynh đóng góp 1.850.000 đ, gồm 130 cuốn sách.[15]

Để đẩy mạnh tiến trình Sách hóa nông thôn, giữa năm 2010, Nguyễn Quang Thạch thành lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng (trực thuộc Hội Liên hiệp Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam).[16]

Năm 2011, 85 dòng họ trên cả nước và hàng chục trường phổ thông đã có tủ sách.[17] Tháng 10, tủ sách giáo xứ được khởi động.[18]

Năm 2012, phong trào gây quỹ ở nước ngoài đầu tiên được tiến hành tại Đức do hội Sinh viên Việt Nam tại Đức chủ trì.[19]

Tháng 6 năm 2013, mô hình tủ sách hậu phương được khởi động ở nhà trung tá Hòa Quang Hùng ở xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sách hóa nông thôn Việt Nam http://hovuvovietnam.com/Tu-sach-ho-Vu-lang-Tien-s... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chang-trai-xu... http://web.archive.org/web/20101208024021/http://t... http://web.archive.org/web/20120409032038/http://h... http://web.archive.org/web/20130103121718/http://v... http://web.archive.org/web/20130308133451/http://b... http://web.archive.org/web/20130409233920/http://d... http://web.archive.org/web/20130411050620/http://w... http://web.archive.org/web/20130414074936/http://v... http://web.archive.org/web/20130610034018/http://v...